Học tập là hành trình quan trọng giúp trẻ phát triển nhận thức, kỹ năng, nhân cách và các phẩm chất tâm lý. Tuy nhiên, cũng chính hoạt động học tập đem đến cho các em không ít khó khăn, áp lực, lo âu và đôi khi là cả những tổn thương tâm lý.
Nếu những cảm xúc tiêu cực này không được phát hiện và lắng nghe, đồng hành kịp thời, con có thể rơi vào trạng thái mất tập trung, khó ghi nhớ kiến thức, hổng kiến thức dẫn đến sợ học, trốn học, lâu dần dẫn đến chán nản, cô lập, thậm chí trầm cảm, bỏ học… và nhiều hệ luỵ khác.
Vậy những khó khăn tâm lý trẻ gặp phải trong quá trình học tập đến từ đâu, và phụ huynh có thể làm gì để giúp con tháo gỡ những khó khăn đó, hãy cùng Trung tâm 3S tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khó khăn tâm lý là gì?
Khó khăn tâm lý trong học tập của học sinh là sự suy giảm, hạn chế hay thiếu hụt những phẩm chất tâm lý của cá nhân đối với việc học tập, gây cản trở cho hoạt động học tập, khiến hoạt động này kém hiệu quả.
Trẻ gặp khó khăn tâm lý trong học tập dẫn đến mệt mỏi, chán nản
Trẻ gặp khó khăn tâm lý trong học tập sẽ luôn cảm thấy bản thân không đủ giỏi, không thể hiểu bài như các bạn, hoặc không tìm được niềm vui trong việc học. Những khó khăn ấy không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn ảnh hưởng đến cách trẻ suy nghĩ, cảm nhận và hành xử với việc học.
Biểu hiện của trẻ gặp khó khăn tâm lý trong học tập
Việc trẻ gặp phải những khó khăn là không thể tránh khỏi trong chặng hành trình học tập và trưởng thành. Có khi trẻ tự mình vượt qua được những thử thách trong học tập và cuộc sống nhưng cũng có khi những khó khăn đó để lại những nút thắt trong tâm lý khiến trẻ không thể tự mình vượt qua. Dưới đây là một số biểu hiện cho thấy trẻ đang gặp khó khăn tâm lý cần được tháo gỡ:
1. Né tránh, thiếu tự giác trong học tập
Trẻ lề mề, trì hoãn hoặc cố ý đi học muộn, nói chuyện riêng khi giáo viên đang giảng bài, không làm bài tập các môn học, chỉ học khi bố mẹ nhắc nhở, giấu điểm số thấp hoặc những vi phạm nội quy, quy định của trường, lớp.
2. Trẻ lo âu và áp lực, không thích đi học, chán học, sợ học
Trẻ lo lắng trước bài vở vượt khả năng, gặp vấn đề sức khỏe như đau bụng, đổ mồ hôi khi phải học tập. Sự kỳ vọng từ gia đình và xã hội làm tăng áp lực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
3. Tự ti và mặc cảm, né tránh giao tiếp
Trẻ khó khăn học tập thường cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè, dẫn đến tự ti, cô lập và khó xây dựng mối quan hệ xã hội. Áp lực từ gia đình, bạn bè càng khiến trẻ buồn và tự cô lập hơn.
4. Hành vi bộc phát hoặc né tránh
Một số trẻ thể hiện hành vi như nổi nóng, cáu kỉnh, hoặc né tránh học tập qua việc gây chú ý để tránh nhiệm vụ khó khăn. Nhiều trường hợp trẻ vì hổng kiến thức nên dẫn đến sợ học, ghét học và né tránh để trốn học, tránh phải đối mặt với áp lực, khó khăn khi học tập.
Nguyên nhân gây ra những khó khăn tâm lý cho trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra những khó khăn tâm lý cho trẻ trong quá trình học tập, có thể đến từ việc trẻ không theo kịp bài học, không thích ứng được với môi trường hay phải chịu những áp lực lớn. Theo nghiên cứu của Dương Thị Thoan về “Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến khó khăn tâm lý trong học tập của học sinh tiểu học thành phố Thanh Hoá” có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ trong quá trình đi học bao gồm: nhà trường, bản thân học sinh và gia đình.
1. Nhà trường
Nhà trường là nơi giáo dục các em về kiến thức, kỹ năng và là môi trường để các em tạo dựng các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô. Một số áp lực từ phía nhà trường đem đến cho học sinh có thể kể đến như:
-
Áp lực đến từ bài vở, điểm số, thi cử
-
Thiếu sự quan tâm, thấu hiểu từ giáo viên
-
Quy tắc và quy định lớp học khắt khe, khiến cho trẻ cảm thấy thiếu sự tự do thể hiện, luôn phải chú ý làm theo yêu cầu của người khác, nếu không sẽ bị phê bình, bị phạt.
-
Bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt hoặc không có bạn chơi cùng.
Trẻ bị trêu chọc, bắt nạt dẫn đến sợ đến trường
Nhiều trẻ yêu trường học vì được học điều mới, được chơi cùng bạn. Nhưng cũng có em sợ trường vì cảm thấy mình bị cô lập, hay luôn bị gò bó trong những quy chuẩn chung mà không được thể hiện cá tính.
2. Bản thân học sinh
Một đứa trẻ gặp khó khăn tâm lý hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân các em trong quá trình học tập. Khi trẻ trong độ tuổi phát triển, có sự thay đổi về mặt tâm sinh lý, muốn khẳng định bản thân nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc và năng lực quản trị bản thân. Một số yếu tố tâm lý xuất phát từ bản thân mà học sinh có thể gặp phải trong quá trình học bao gồm: cảm thấy bản thân thua kém, tự đặt kỳ vọng cao ở chính mình.
Trẻ tự tạo áp lực cho mình về điểm số, sợ thất bại, sợ bị so sánh. Trẻ muốn tự khẳng định bản thân thông qua điểm số dẫn đến áp lực. Sự kỳ vọng một mặt đem lại cho học sinh động lực phấn đấu liên tục để có thể vượt lên giới hạn của chính mình. Trái lại, sự kỳ vọng cũng có thể làm cho bản thân trẻ áp lực, và nếu quá áp lực thì có thể bỏ cuộc, thậm chí làm những điều mà bản thân không kiểm soát được. Cũng có khi trẻ chán nản vì mất động lực học tập, không tìm thấy ý nghĩa của việc học.
3. Gia đình
Gia đình không chỉ là nơi đem đến tình yêu thương mà còn là nơi dạy trẻ hết sức quan trọng. Sự kỳ vọng cao của cha mẹ về kết quả học tập có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực, tự ti. Bố mẹ luôn mong muốn con mình học giỏi hơn các bạn cùng lớp, giỏi hơn con hàng xóm, con đồng nghiệp.
Nhiều phụ huynh coi kết quả học tập của con cái như một tiêu chí để thể hiện sự thành công của bản thân trong việc nuôi dạy con cái dẫn đến việc nhiều cha mẹ ép con đi học thêm nhiều, quên các nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi của con cái mình.
Trẻ áp lực trước kỳ vọng từ gia đình
Nhiều trẻ được ba mẹ đưa đi hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác, không còn thời gian nghỉ, trẻ lúc nào trông cũng mệt mỏi, thiếu sức sống và không thể tập trung nên cuối cùng kết quả học tập không những không tiến bộ mà còn xuống dốc. Bên cạnh đó, khi gặp khó khăn trên trường mà về đến nhà còn thiếu sự thấu hiểu, cảm thông, động viên từ phía gia đình trẻ dễ bị tổn thương, cảm thấy không được đón nhận và dần thu mình lại.
Nhận định về vấn đề này, có chuyên gia giáo dục đưa ra quan điểm:
“Một thực tế đang diễn ra nhất là ở các thành phố lớn là các con thường bị cha mẹ ép học tập, bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ. Và điều tất lẽ dĩ ngẫu là khi chịu áp lực học tập đến từ phía bố mẹ, Nhà trường trong một thời gian dài, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được. Đó chính là chết trong kỳ vọng của bố mẹ.”
Giải pháp tháo gỡ khó khăn tâm lý cho học sinh
1. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Khi nhận ra các dấu hiệu cần sự hỗ trợ từ trẻ, phụ huynh cần chủ động lắng nghe mà không phán xét, tạo niềm tin và giúp trẻ cảm thấy thấu hiểu để tháo gỡ những khó khăn con đang gặp phải. Có thể đưa trẻ đi đánh giá và xây dựng chương trình hỗ trợ sớm sẽ giúp giảm căng thẳng, chuẩn bị tốt cho việc học.
Phụ huynh cần lắng nghe mà không phán xét, tạo niềm tin cho trẻ
2. Tạo môi trường học tập tích cực
Các thầy cô cần tạo ra không khí vui vẻ ở lớp học. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các em phải thực hiện yêu cầu của thầy cô, thực hiện các nội quy, quy định của lớp học, của Nhà trường cũng phải thật nhẹ nhàng, tế nhị, để các em tự mình điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, tránh gây áp lực sẽ làm cho các em giảm hứng thú với hoạt động học tập nói riêng và trường học nói chung.
Môi trường học tập tích cực giúp trẻ chủ động, tự tin.
3. Điều chỉnh kỳ vọng
Cha mẹ cần giảm kỳ vọng và áp đặt lên con cái. Thay vào đó lắng nghe quan điểm, nguyện vọng, sở thích của con. Giáo dục dựa trên sự phát triển, định hướng cho trẻ dựa trên những tiềm năng, năng lực của chúng chứ không phải theo hướng mà phụ huynh mong muốn.
4. Giúp trẻ phát triển các kỹ năng
Nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập không phải vì thiếu năng lực, mà bởi chưa được trang bị những kỹ năng quan trọng như quản lý thời gian, làm chủ cảm xúc, đặt mục tiêu và tự đánh giá năng lực bản thân. Khi thiếu những nền tảng này, trẻ dễ rơi vào trạng thái học đối phó, thiếu tự tin, hoặc chán nản, mất phương hướng.
Tại Trung tâm 3S, chúng tôi chú trọng vào việc rèn kỹ năng sống - kỹ năng tự học cho trẻ – yếu tố then chốt giúp trẻ học tập hiệu quả và phát triển toàn diện.
Trẻ chủ động, tự giác và tự tin học tập tại Trung Tâm 3S
Không chỉ đơn thuần là dạy kỹ năng, chúng tôi còn có đội ngũ huấn luyện viên đồng hành 1-1 hoặc 1-3, được đào tạo bài bản về lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ tâm lý học đường, giúp trẻ tháo gỡ áp lực, xây dựng bản lĩnh và lòng tự trọng tích cực.
Chúng tôi tin rằng: Khi được trang bị đúng kỹ năng và có người đồng hành đúng cách, mỗi đứa trẻ đều có thể học tập một cách nhẹ nhàng – tự tin – hạnh phúc.
Lời kết
Khó khăn tâm lý trong học tập không phải là điều bất thường, mà là một phần tự nhiên trong quá trình lớn lên và hoàn thiện bản thân của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu không được thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời, những khó khăn ấy có thể trở thành rào cản lớn, khiến trẻ đánh mất sự tự tin, động lực và niềm vui học tập.
Điều con cần không chỉ là điểm số cao, mà là sự hiện diện của những người đồng hành biết lắng nghe – biết thấu hiểu – và biết trao cho con niềm tin để bước tiếp.