Trong thời đại thông tin bùng nổ, học sinh phải đối mặt với lượng bài vở ngày càng lớn, áp lực thành tích cao và vô số yếu tố gây xao nhãng từ môi trường xung quanh.
Cùng có quỹ thời gian như nhau, vậy mà có những trẻ học xong bài tập còn thời gian tham gia hoạt động ngoại khoá, học vẽ, học đàn,..có trẻ lại vật lộn, căng thẳng với đống bài vở mãi không xong. Vậy làm sao để con không bị quá tải, vẫn học tốt, vui khỏe và phát triển toàn diện? Câu trả lời nằm ở kỹ năng quản lý thời gian thông minh – một trong những chìa khóa giúp trẻ chủ động, hiệu quả và tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.
I. Kỹ năng quản lý thời gian là gì?
Quản lý thời gian là khả năng lên kế hoạch, tổ chức và sắp xếp công việc một cách khoa học, giúp tối ưu hiệu quả và tránh lãng phí thời gian. Người có kỹ năng này biết cách xác định mục tiêu, ưu tiên việc quan trọng, loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng và phân bổ thời gian hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi và vui chơi.
Khi trẻ rèn luyện được kỹ năng quản lý thời gian từ sớm, trẻ không chỉ học tốt hơn, hoàn thành được khối lượng kiến thức bài vở lớn một cách hiệu quả mà không bị căng thẳng hay kiệt sức.
II. Vai trò của kỹ năng quản lý thời gian đối với học sinh
Dưới đây là những lợi ích rõ rệt mà kỹ năng quản lý thời gian mang lại cho học sinh:
1. Gia tăng hiệu quả học tập
Trẻ biết rõ mình cần làm gì, học gì và khi nào cần hoàn thành nên việc học không còn mơ hồ, thụ động. Các em dễ dàng tập trung và đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian ngắn hơn.
2. Dễ dàng hoàn thành mục tiêu
Việc chia nhỏ mục tiêu học tập thành từng bước cụ thể giúp trẻ thấy rõ tiến độ, cảm nhận được sự tiến bộ và duy trì động lực lâu dài.
3. Giảm áp lực và căng thẳng
Quản lý thời gian tốt giúp trẻ tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, không phải học gấp hay làm bài qua đêm. Nhờ đó, tinh thần và sức khỏe cũng được bảo vệ.
4. Đem lại sự cân bằng trong cuộc sống
Khi mọi thứ được lên kế hoạch rõ ràng, trẻ có thể cân đối giữa học tập và các hoạt động vui chơi, thể thao, nghệ thuật... từ đó phát triển toàn diện hơn.
5. Xây dựng thói quen tốt
Kỹ năng quản lý thời gian rèn cho trẻ sự kỷ luật, biết trân trọng thời gian – những phẩm chất rất cần thiết để thành công sau này.
6. Cải thiện sự tự tin
Trẻ hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, đạt kết quả tốt sẽ cảm thấy tự tin hơn, tin tưởng vào năng lực của chính mình.
III. Các cách giúp con quản lý thời gian hiệu quả
Dưới đây là một số gợi ý thiết thực để cha mẹ hỗ trợ con rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian:
1. Thiết lập mục tiêu và thời gian rõ ràng
Hãy cùng con xác định mục tiêu học tập cụ thể trong tuần/tháng. Ví dụ: hoàn thành xong 5 bài toán nâng cao mỗi tuần, ôn tập xong chương 1 trước ngày kiểm tra…
Thiết lập mục tiêu đi kèm thời gian rõ ràng giúp con chủ động làm theo kế hoạch
2. Lập kế hoạch học tập chi tiết mỗi ngày
Tạo thói quen viết ra lịch trình học hàng ngày, phân chia thời gian cho từng môn học, hoạt động. Nên có bảng kế hoạch dán ở góc học tập để con dễ theo dõi.
Thời gian biểu giúp con xác định được khung giờ và nhiệm vụ cụ thể.
3. Sắp xếp và ưu tiên nhiệm vụ
Dạy con phân biệt giữa việc quan trọng – gấp – không gấp – không quan trọng, từ đó biết ưu tiên những việc cần làm trước để không bị dồn việc.
4. Lựa chọn thời điểm học tập hiệu quả
Giúp con nhận biết khoảng thời gian mà mình tập trung tốt nhất (thường là sáng sớm hoặc sau khi nghỉ ngơi) để bố trí các môn học khó vào khung giờ này.
5. Đặt deadline cụ thể
Thay vì “học xong sớm”, hãy đặt hạn chót cụ thể như: “Hoàn thành đề ôn tập Toán trước 7 giờ tối”.
6. Tập trung cao độ khi học
Sử dụng kỹ thuật Pomodoro (học 25 phút – nghỉ 5 phút) để duy trì sự tập trung. Đặt đồng hồ hẹn giờ nếu cần.
Đặt đồng hồ hẹn giờ để thiết lập thời gian học và thời gian nghỉ khoa học
7. Đánh giá kết quả mỗi ngày
Cuối ngày, cùng con nhìn lại những việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành và tìm ra nguyên nhân. Đây là bước quan trọng giúp trẻ tự cải thiện kế hoạch của mình.
8. Rút ra bài học
Giúp con nhận biết điều gì làm mất thời gian (mạng xã hội, trì hoãn, mất tập trung...) và tìm cách khắc phục trong những lần sau.
IV. Một số lưu ý để giúp con quản lý thời gian hiệu quả
-
Để các thiết bị điện tử xa tầm tay khi học để tránh xao nhãng bởi các thông báo từ mạng xã hội, trò chơi, game,...
-
Không ôm đồm nhiều việc cùng lúc: đa nhiệm khiến hiệu quả giảm sút. Dạy con tập trung hoàn thành một việc rồi mới chuyển sang việc tiếp theo.
-
Không trì hoãn: Hãy dạy con “làm luôn” những việc nhỏ thay vì trì hoãn để đó “một lúc nữa rồi làm”.
-
Dành thời gian nghỉ giải lao hợp lý giữa các ca học để phục hồi năng lượng và tăng cường sự tập trung.
-
Rèn luyện tính kỷ luật: Ban đầu có thể cần cha mẹ nhắc nhở để tạo cho con thói quen, nhưng hãy hướng đến mục tiêu con tự chủ được thời gian của mình.
Lời kết:
Quản lý thời gian là kỹ năng không thể thiếu nếu muốn con học hiệu quả, sống tích cực và trưởng thành vững vàng. Việc biết cách sắp xếp thời gian trong ngày để hoàn thành các mục tiêu không chỉ giúp trẻ chủ động, tự tin hơn mà còn là hành trang cho trẻ học tập tốt - sắp xếp các công việc hiệu quả sau này. Thay vì chỉ nhắc nhở con “học đi”, hãy đồng hành và giúp con học đúng cách, đúng lúc – bắt đầu từ việc biết quý trọng từng phút giây.